Lối sống Đại bàng rừng châu Phi

Đại bàng rừng châu Phi thường được mô tả như là loài chim ăn thịt mạnh mẽ nhất ở châu Phi, thậm chí mạnh hơn so với hai loài hơi nặng hơn đặc hữu của châu Phi, đại bàng martial và đại bàng đen châu Phi (Aquila verreauxii). Theo một danh sách, chúng là loài chim duy nhất được xếp hạng trong số 10 sinh vật mạnh nhất sống trên mặt đất. Tuy nhiên đại bàng Harpy cũng được coi là loài đại bàng và chim săn mồi mạnh nhất. Sức mạnh của chúng được ngoại suy từ kích thước của bàn chân và móng vuốt và từ con mồi điển hình. Trong rừng sâu, một con đại bàng trưởng thành có thể có một phạm vi săn mồi lên đến 6,5-16 km2, và nhỏ hơn trong khu vực đồi núi đá và vách đá. Chúng bắt đầu săn mồi ngay sau khi bình minh và chủ yếu là vào buổi sáng sớm và buổi tối khi mặt trời lặn. Là loài sống trong rừng, chúng không đi những khoảng cách rất xa để săn mồi, cũng như thực hiện nhiều chuyến bay để đi săn như các loài sống trên thảo nguyên. Thay vào đó, chúng có xu hướng săn mồi một cách thụ động, có thể là xác định vị trí một điểm săn mồi phù hợp bằng cách lắng nghe (chẳng hạn như thông qua tiếng kêu của khỉ vervet) hoặc quan sát hoạt động của con mồi, hoặc đậu ở những nơi đi săn thành công trong quá khứ. Chúng thường lao xuống con mồi từ một nhánh cây. Sau khi trông thấy con mồi thích hợp, chúng nhanh chóng nhẹ nhàng tấn công con mồi trong sự bất ngờ. Chúng thường giết chết con mồi trên nền rừng. Con mồi sống trên cây có thể bị lôi xuống đất. Móng vuốt sắc, mạnh mẽ có thể đủ để tiêu diệt con mồi, nếu không, con mồi cũng tử vong do chấn thương hoặc ngạt thở ngay tức thì. Một số con mồi bị giết bởi móng vuốt đâm vào hộp sọ tới não. Chúng có khả năng bay gần như thẳng đứng để mang con mồi đến một cành cây trước khi ăn, mặc dù chúng cũng sẽ xé con mồi lớn trên mặt đất. Đôi khi, chúng cũng đi săn trên không, bay trên tán cây cho đến khi phát hiện và bắt những con mồi, thường là khỉ hoặc đa man hyrax sống trên cây. Chúng để phần thừa của con mồi lên cây xung quanh tổ hoặc nơi thường đậu, và tiêu thụ trong suốt nhiều ngày tiếp theo. Nếu con mồi quá nặng, chẳng hạn như loài linh dương hoẵng Bushbuck, chúng cất giữ dưới những thảm thực vật dày của cây và chỉ mang một phần về tổ. Chúng cũng săn mồi theo cặp, khi một con thu hút sự chú ý của con con mồi để con khác phục kích và bắt mồi. Con mái săn bắt khỉ đực nhiều hơn con trống, thường có mục tiêu là khỉ cái hoặc con non. Có trường hợp, một con đại bàng rừng châu Phi tấn công một con linh dương bushbuck non, làm nó bị thương và bay đi để quan sát từ xa. Trong vòng một vài ngày, con linh dương con bị chảy máu, bắp chân bị thương đã không thể bắt kịp với mẹ của nó và bị con đại bàng giết chết. Cũng có một cuộc tấn công tương tự trên một con khỉ vervet đực trưởng thành (Chlorocebus pygerythrus), chờ đợi con mồi bị thương kiệt sức và tiêu diệt.

Trong rừng mưa nhiệt đới, đại bàng rừng châu Phi là những con chim ăn thịt lớn nhất và chiếm ưu thế nhất trong khu vực. Các loài động vật ăn thịt lớn khác có thể khai thác con mồi tương tự trong môi trường rừng bao gồm báo hoa mai (Panthera pardus), beo vàng châu Phi (Profelis aurata), cá sấu sông Nin (Crocodylus niloticus), cá sấu lùn (Osteolaemus tetraspis), trăn đá châu Phi (Python sebae), tinh tinh và khỉ lớn, như khỉ đầu chó. Tuy nhiên, tất cả các đối thủ cạnh tranh nặng hơn nhiều so với đại bàng rừng châu Phi, khoảng từ khối lượng 10 kg của beo vàng đến 225 kg đối với cá sấu sông Nin. Trong khi các loài bò sát thường săn trên mặt đất hoặc ở gần nước, các loài họ mèo và khỉ đầu chó có thể leo lên cây và ăn trộm con mồi của đại bàng rừng châu Phi. Trong một so sánh chế độ săn bắt khỉ trong rừng nhiệt đới của đại bàng rừng châu Phi với báo hoa mai và tinh tinh, khối lượng con mồi trung bình được ước tính của báo hoa mai là 11,27 kg, gấp đôi trọng lượng con mồi ước tính trung bình của đại bàng rừng châu Phi, khi khối lượng con mồi trung bình của tinh tinh là 6,9 kg, cao hơn khoảng 1 kg so với con mồi của đại bàng rừng châu Phi.

Trong các môi trường sống hỗn hợp, có sự canh tranh của các loài chim ăn thịt lớn khác, đại bàng martial và đại bàng đen Verreau. Chúng có thể cùng sống trên các sườn đồi và tất cả đều săn đa man hyrax. Trong khi đại bàng đen chuyên săn đa man hyrax, thì đại bàng martial có một dải con mồi rất đa dạng. Tuy nhiên, những con đại bàng lớn này phân biệt bởi cả sở thích môi trường sống và các kỹ thuật săn mồi chính, làm cho chúng có thể làm tổ trong những khu vực chỉ cách nhau vài cây số. Trong khi đại bàng rừng ưa thích môi trường sống rậm rạp và săn mồi trên một cành cây, thì đại bàng martial có xu hướng sống trong môi trường thảo nguyên và có xu hướng săn khi bay ở trên cao (nhờ tầm nhìn tuyệt vời của nó), còn đại bàng đen thường sống trong môi trường núi dốc và có xu hướng săn mồi trong khi bay trên các đường viền không đồng đều của núi đá ở độ cao chỉ vài mét. Không giống đại bàng martial, đại bàng rừng không săn các loài chim ăn thịt nhỏ hơn.

Đại bàng rừng châu Phi đôi cũng có thể bị giết chết bởi các loài thú lớn. Đã có trường hợp một con đại bàng trống bị tấn công bất ngờ bởi một con báo khi đang bắt một con khỉ trong mưa, và trường hợp khác là một con cá sấu đã bắt được một con đại bàng mái khi nó đang ăn một con linh dương bushbuck non gần mép nước. Ở Kenya, có trường hợp chim non bị ăn thịt bởi lửng mật (Mellivora capensis) và rắn hổ mang đã được báo cáo. Chúng cũng có thể bị thương khi bị tấn công bởi những con khỉ đầu chó.

Đại bàng rừng châu Phi có chu kỳ sinh sản dài nhất trong các loài loài chim. Chúng cặp đôi mỗi hai năm một lần. Một chu kỳ sinh sản của chúng kéo dài khoảng 500 ngày, trong khi phần lớn các loài đại bàng khác có chu kỳ sinh sản dưới sáu tháng. Hầu hết chúng đạt tuổi trưởng thành sau 5 năm tuổi, tương tự các loài đại bàng lớn khác. Tuổi thọ trung bình của đại bàng rừng là 14 năm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại bàng rừng châu Phi http://www.britannica.com/EBchecked/topic/144511 http://www.birds.cornell.edu/clementschecklist/dow... http://biostor.org/reference/81217 http://datazone.birdlife.org/species/factsheet/226... //dx.doi.org/10.1007%2Fs002650000283 //dx.doi.org/10.1016%2Fj.ympev.2004.10.003 //dx.doi.org/10.1016%2Fj.ympev.2005.04.010 //dx.doi.org/10.1111%2Fj.1439-0469.2007.00410.x //dx.doi.org/10.1111%2Fj.2007.0908-8857.03971.x //dx.doi.org/10.11646%2Fzootaxa.4216.4.1